Cùng với sự phát triển của xã hội thì khối ngành kinh tế được nhiều người lựa chọn bởi hợp với xu thế, nhiều cơ hội việc làm và mức thu nhập hấp dẫn.
Khối ngành kinh tế là gì?
Kinh tế là các ngành được đào tạo chuyên môn về việc tìm hiểu nghiên cứu liên quan tới các vấn đề sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hoá dịch vụ.

Khối ngành kinh tế rất rộng lớn và trong đó bao gồm rất nhiều những nhóm ngành nhỏ, có thể phân chia:
- Nhóm 1 các ngành chuyên môn: marketing, quản trị nhân sự, kế toán-tài chính.
- Nhóm 2 các ngành lĩnh vực cụ thể: kinh tế đối ngọại, kinh doanh quốc tế, logistic, bất động sản, thương mại điện tử, quản trị nhà hàng, khách sạn du lịch.
Tuỳ vào sở thích cũng như khả năng của mình mà các bạn có thể lựa chọn ngành phù hợp để dấn thân vào, xây dựng nghề nghiệp cho mình trong tương lai.
Ai phù hợp để theo đuổi khối ngành kinh tế
- Người năng động: đó là người năng động, linh hoạt và ham thích đối với hoạt động quản lý, mua bán.
- Người kiên trì: Nền kinh tế hiện nay thay đổi không ngừng và đầy rủi ro nên người muốn thành công theo đuổi khối ngành kinh tế phải kiên trì nỗ lực.
- Người thích học hỏi: xã hội ngày nay thay đổi không ngừng, và nền kinh tế cũng vậy mọi thứ thay đổi rất nhanh, cho nên để thành công thì mọi người phải học hỏi không ngừng, cập nhật những kiến thức mới. Có học hỏi không ngừng mới đủ lực cạnh tranh với đối thủ khác trên “thương trường”.
- Người có ngoại ngữ tốt: ngoại ngữ là tấm vé thông hành để mọi người giao lưu và tiếp cận với thế giới bên ngoài. Với nền kinh tế mở hiện nay thì ngoại ngữ trở nên vô cùng quan trọng. Có ngoại ngữ bạn sẽ dễ dàng tìm được khách hàng nước ngoài, mở rộng đối tác của mình từ đó thành công hơn.
Một số ngành kinh tế đang “hot”
Dưới đây chúng tôi xin điểm qua những ngành kinh tế đang hot để các bạn có thể lựa chọn.
Quản trị kinh doanh
Với ngành quản trị kinh doanh các bạn sẽ được tìm hiểu các kiến thức về điều hành hoạt động của nhóm, tổ chức và nắm được công việc chuyên môn của các bộ phận phòng ban trong một công ty. Quá trình đào tạo sẽ giúp người học có được kỹ năng đưa ra chiến lược giúp một công ty, tổ chức hoạt động ổn định và ngày càng phát triển.

Học quản trị kinh doanh các bạn sẽ được học kiến thức tổng quan về nhân sự, kế toán, marketing,…tuy nhiên lại không đi sâu vào chuyên môn lĩnh vực nào cả.
- Sau khi học quản trị kinh doanh ra trường thì các bạn có thể làm:
- Chuyên viên các phòng hành chính nhân sự
- Kinh doanh
- Marketing tại các công ty dịch vụ, sản xuất
- Chuyên viên xây dựng chiến lược, phát triển thị trường và tìm kiếm đối tác tại các công ty xuất nhập khẩu hay công ty đa quốc gia
- Giảng viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại các trường Đại Học
- Hay có thể điều hành công ty riêng của gia đình mình
- Nếu bạn có kiến thức tốt, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ thực tế đi làm thì hoàn toàn có thể mở công ty riêng và điều hành.
Kế toán – Kiểm toán
Kế toán và kiểm toán là hai chuyên ngành khác nhau và cả hai thuộc lĩnh vự kế toán tài chính và làm việc trên những con số, dữ liệu, chứng từ, sổ sách,… kết quả cuối cùng là tổng hợp báo cáo thông tin liên quan tới tài chính một cách tốt nhất.

Nếu như kế toán tìm hiểu và ghi chép lại các khoản thu chi, các giao dịch sau đó tổng hợp và giải thích chúng. Thì kiểm toán là người kiểm tra lại số sách và giấy tờ để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và chính xác.
Sinh viên theo học ngành kế toán-kiểm toán sẽ được trang bị kiến thức về cách thu thập, xử lý, kiểm tra các thông tin về tài chính. Đặc biệt sẽ được đào tạo các nghiệp vụ như tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều bạn cho rằng học kế toán-kiểm toán phải tính toán giỏi, tính nhẫm nhanh, thật ra không hẳn là như vậy. Hiện nay tính toán các số liệu có rất nhiều công cụ hỗ trợ, mọi người không phải tốn thời gian nhiều, quan trọng người làm kế toán, kiểm toán phải có đầu óc tư duy tốt để sắp xếp số liệu thật logic đưa ra phân tích đúng.
Tuy nhiên nếu bạn “hoa mắt, chóng mặt” với những con số thì việc theo học kế toán-kiểm toán có lẽ không phù hợp.
Marketing
Marketing là công việc không thể thiếu trong bất cứ công ty, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nào. Hoạt động của marketing hướng tới khách hàng, đáp ứng mong muốn của khách hàng từ đó phát triển thương hiệu và thu về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Mục tiêu cao nhất của Marketing chính là trở thành chiếc cầu nối bền chặt giữa doanh nghiệp với khách hàng mục tiêu, giúp cho nhiều khách hàng biết đến sản phẩm công ty mình càng tốt.

Khi học chuyên ngành Marketing các bạn sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng như: nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, tổ chức phân phối sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện,…
Đặc biệt ngoài hình thức marketing truyền thống thì các bạn sinh viên sẽ được đào tạo về digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) xây dựng các hoạt động tiếp thị sử dụng một hoặc nhiều phương tiện kỹ thuật số trên Internet, tiếp cận khách hàng nhanh hơn, nhiều hơn và chi phí thấp hơn.
Sau khi tốt nghiệp, người học marketing có khả năng đảm nhiệm các vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng, phát triển sản phẩm; hoặc làm cán bộ nghiên cứu hoạch định chiến lược Marketing, tổ chức sự kiện; các bạn cũng có thể tự mở công ty kinh doanh sản phẩm mà mình thấy phù hợp. Nói chung cơ hội việc làm của ngành này khá là cao
Tài chính ngân hàng
Một ngành học đang rất “hot” hiện nay trong khối ngành kinh tế đó là tài chính ngân hàng. Ngành này khá rộng, bao quát toàn bộ các hoạt động liên quan đến giao dịch tiền tệ và kinh doanh thông qua ngân hàng.

Tài chính ngân hàng là một ngành lớn và trong ngành này có một số chuyên ngành nhỏ mà các bạn có thể lựa chọn sao cho phù hợp với khả năng, sở thích của mình như: ngân hàng, quản lý tài chính công, tài chính doanh nghiệp, thuế, tài chính quốc tế, đầu tư tài chính,…
Sau khi ra trường các bạn có thể làm việc tại các ngân hàng, công ty về kiểm toán, các tổ chức về tín dụng, công ty chứng khoán, các cơ quan quản lý nhà nước,…
Quản trị nguồn nhân lực
Quản trị nhân lực là việc đề ra những chính sách, hoạt động, quyết định nhằm tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp và toàn thể nhân viên:
- Giúp cho năng suất và chất lượng công việc của mỗi người đạt mức tối đa nhất
- Tạo ra được lợi thế cạnh tranh
- Thu hút nhân tài
- Xây dựng được đội ngũ nhân viên trung thành làm việc hiệu quả

Các bạn sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo những kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nguồn nhân lực, nắm bắt mối quan hệ tương tác giữa người với người trong quan hệ lao động, cách triển khai những công tác liên quan đến việc điều hành, quản lý hành chính, nhân sự, thực hiện các chính sách lao động. Ngoài ra còn được học các kiến thức về quản trị nhân sự, tuyển dụng và đào tạo nhân sự,…
Hy vọng chia sẻ trên về triển vọng của khối ngành kinh tế trong thời đại 4.0, sẽ giúp cho các bạn có được định hướng nghề nghiệp tốt trong tương lai.