Ngoài học tập, trẻ còn cần tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện. Trong đó, học võ là một hoạt động rất bổ ích và thú vị dành cho trẻ. Học võ mang lại cho trẻ nhiều lợi ích kể cả về thể chất và tinh thần.
Sức khỏe thể chất
Tăng cường sức khỏe
Khi tập võ, máu huyết trong toàn cơ thể sẽ được lưu thông tốt hơn, giúp sức khỏe của trẻ được tăng cường, ít bị bệnh vặt hơn.
Ngoài ra, học võ sẽ rèn luyện cơ thể trẻ theo hướng tích cực, cơ thể của trẻ sẽ dẻo dai hơn, mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn và linh hoạt hơn. Đồng thời, tập võ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ, nhất là về khía cạnh cân nặng.
Là hoạt động đòi hỏi di chuyển và hoạt động nhiều, tập võ giúp tiêu hao năng lượng một cách hiệu quả. Điều này sẽ giúp những trẻ bị thừa cân kiểm soát cân nặng tốt hơn và dễ lấy lại thân hình cân đối hơn. Và đối với những bé gầy nhỏ, tập luyện võ thuật giúp rèn luyện cơ bắp, cải thiện sức ăn và từ đó giúp cơ thể phát triển tốt hơn.
Tăng sức chịu đựng
Nếu cho trẻ học võ, trẻ sẽ phải tập luyện nhiều động tác, nhiều bài tập từ đơn giản đến khó và phức tạp. Điều này sẽ giúp tăng cường sức chịu đựng của trẻ.
![học võ](https://cungdihoc.com/wp-content/uploads/2021/12/hoc-vo1.png)
Bảo vệ bản thân
Ngoài lợi ích đối với sức khỏe, học võ sẽ giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình, ít nhất là khỏi sự tấn công từ những trẻ cùng trang lứa, khỏi bạo lực học đường.
Đây là một vấn nạn học đường rất nhức nhối và khiến các bậc cha mẹ lo lắng bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra cho trẻ.
Những đứa trẻ yếu ớt, nhút nhát, tự ti là đối tượng chủ yếu bị những kẻ bắt nạt nhắm đến. Tập luyện võ thuật sẽ giúp trẻ tự tin hơn và có đủ khả năng để chống lại những kẻ bắt nạt và tự bảo vệ bản thân mình.
Sức khỏe tinh thần
Ngoài cải thiện sức khỏe thể chất, tập võ còn giúp trẻ có được đời sống tinh thần khỏe mạnh, giải tỏa căng thẳng và rèn luyện nhân cách.
Rèn luyện tính kỷ luật
Kỷ luật là một đức tính cần có của một người và nên được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Luyện võ yêu cầu tính kỷ luật cao ở võ sinh, cần phải tuân thủ những yêu cầu được ra và thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Bởi vậy, học võ sẽ giúp rèn luyện tính kỷ luật ở trẻ. Sớm rèn luyện được tính kỷ luật sẽ giúp ích cho việc học tập và cuộc sống của trẻ.
Tăng mức độ tập trung
Trong quá trình tập võ, người học võ luôn cần phải có sự tập trung cao độ. Do đó, học võ sẽ giúp trẻ em luyện tập và cải thiện được khả năng tập trung.
Khi rèn luyện được khả năng tập trung, trẻ sẽ không còn bị lơ đãng trong khi học, từ đó, trẻ sẽ tiếp thu bài tốt hơn và giúp việc học tập hiệu quả hơn.
Rèn luyện nhân cách
Quá trình học võ sẽ giúp trẻ tự rèn luyện nhân cách, rèn luyện các đức tính đáng quý như tự tin, kiên trì, vượt khó, dũng cảm, khiêm nhường, điềm tĩnh và cao thượng.
Chẳng hạn, khi cố gắng thực hiện được những động tác khó, trẻ sẽ học được tính kiên trì, vượt khó, không đầu hàng trước khó khăn.
Làm giảm căng thẳng, stress
Không chỉ người lớn mới bị stress, trẻ em cũng bị căng thẳng bởi chuyện học hành. Tập võ sẽ tạo cơ hội cho trẻ được vận động nhiều, đây là một phương pháp hiệu quả giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, thư giãn đầu óc và hồi phục tinh thần.
Từ đó, não bộ sẽ hoạt động tốt hơn và phát huy được tối đa khả năng của trẻ.
Giao tiếp và kết bạn
Tham gia các lớp học võ là cơ hội tốt để trẻ giao tiếp và tương tác với nhiều người. Điều này sẽ giúp trẻ quen được nhiều bạn bè hơn, làm phong phú hơn đời sống tình cảm của trẻ.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội giúp trẻ rèn luyện khả năng giao tiếp. Đặc biệt là đối những trẻ còn nhút nhát, rụt rè khi nói chuyện với người khác, cha mẹ có thể cho trẻ đi học võ để trẻ học được cách giao tiếp tự nhiên và hiệu quả hơn.
Xem thêm: Cách học võ tại nhà hiệu quả cho con
Các loại võ thuật hiện nay
Với mỗi độ tuổi khác nhau, sẽ có những môn võ khác nhau phù hợp với khả năng ở độ tuổi của trẻ. Cụ thể như sau:
Trẻ 4-6 tuổi: các môn địa chiến như Jiu Jitsu và Judo
Trẻ trong độ tuổi 4-6 tuổi còn chưa đủ cứng cáp nên không nên học các môn võ đối kháng với các động tác tấn công nhanh, mạnh như đấm, đá vì rất dễ gây chấn thương cho trẻ.
Và nếu bị chấn thương vào độ tuổi này thì cơ thể trẻ sẽ rất dễ bị hình thành di chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống sau này.
Vậy nên nếu muốn cho trẻ học võ ở thời điểm này, cha mẹ nên cho trẻ học các môn võ có động tác nhu hòa hơn là các môn địa chiến như Jiu Jitsu và Judo với đặc trưng là các động tác kéo, lôi và siết nhẹ.
Trẻ 6-12 tuổi: các môn võ quyền
Lúc này xương cốt của trẻ đã cứng cáp hơn nhiều và khả năng hoạt động cũng tốt hơn nên có thể học những môn võ có kỹ thuật cao hơn nhưng xương vẫn dễ bị chấn thương nếu tập những môn võ đối kháng.
Vậy nên trẻ ở tuổi này nên học các môn võ quyền như Taekwondo, Vovinam, Karate, Hapkido, võ cổ truyền, Aikido… Các môn võ này cũng mang lại lợi ích cho sự phát triển xương cốt và chiều cao của trẻ do có các động tác vung tay, vung chân dứt khoát.
Trẻ cũng sẽ rèn luyện được đức tính kỉ luật và hướng thiện theo đúng tinh thần võ đạo. Những môn võ này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trẻ học lên đối kháng.
Trẻ từ 12 tuổi trở lên: các môn võ đối kháng
![học võ](https://cungdihoc.com/wp-content/uploads/2021/12/hoc-vo.png)
Ở độ tuổi này, hệ cơ xương của trẻ đã phát triển tương đối hoàn thiện và rắn chắc nên có thể bắt đầu học những loại võ thuật có tính ứng dụng thực chiến cao như Kyokushin Karate, Muay Thái, Tán thủ và Boxing. Đặc trưng của những môn võ đối kháng này là động tác mạnh, nhanh, hiểm và chuẩn.
Điều này sẽ giúp ích cho khả năng tự vệ của trẻ, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình khỏi những va chạm ác ý.
Ngoài ra, các em cũng sẽ rèn luyện được khả năng quan sát và nâng cao tính cảnh giác với những sự đe dọa từ cuộc sống xung quanh.
Đồng thời, ở độ tuổi thiếu niên, trẻ rất dễ bùng phát cảm xúc, kể cả những cảm xúc tiêu cực, học những môn võ thuật đối kháng sẽ là một cơ hội tốt để trẻ giải tỏa cảm xúc cũng như học được cách kiểm soát và điều hòa cảm xúc của mình.
Rủi ro khi học võ
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích tốt đẹp như trên, chúng ta không thể lơ là những rủi ro khi học võ. Vì nhiều khi các em không khống chế được lực đạo và độ chính xác nên các môn võ đối kháng vẫn khá nguy hiểm đối với các em ở độ tuổi thiếu niên.
Do đó, để đảm bảo an toàn và phòng tránh những tai nạn không mong muốn, trẻ cần được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ khi học võ như giáp chân, găng tay, mũ bảo hiểm và miếng bảo vệ răng. Và việc đấu tập của trẻ cũng nên được huấn luyện viên theo dõi sát sao.
Học võ mang đến những tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần của trẻ. Nhưng nếu muốn cho trẻ đi học võ, cha mẹ hãy lựa chọn cẩn thận môn võ phù hợp và chuẩn bị các phương pháp bảo hộ cho trẻ.