Tâm lý, tình cảm cũng như nhận thức ở trẻ độ tuổi tiểu học còn đơn giản nhưng nhân cách đã bắt đầu phát triển. Sự phát triển nhân cách ở độ tuổi này có thể được chia làm hai giai đoạn riêng việt.

Giai đoạn 6-8 tuổi

Trong độ tuổi tiểu học, đây là giai đoạn mà sự phát triển nhân cách của trẻ đơn giản nhất nhưng cũng đã “người lớn” hơn và mang tính cá nhân hơn so với hồi còn học mẫu giáo.

Chúng bắt đầu suy nghĩ có hệ thống hơn, nhận thức cũng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khả năng kiềm chế, kiểm soát cảm xúc và hành động còn thấp.

Sáu tuổi

Ở tuổi này, trẻ luôn tự coi mình là trung tâm. Trẻ có thể thường thiếu kiên nhẫn, muốn các yêu cầu của mình được đáp ứng ngay lập tức. Bởi vậy mà việc phải ngồi học hàng giờ có thể khó khăn khi các em đang bắt đầu làm quen với trường học.

Ngoài ra, các em cũng đã bắt đầu nghĩ mình như một đứa trẻ lớn. Chúng thường muốn chơi với những đứa trẻ lớn hơn là những đứa nhỏ hơn.

Bảy tuổi

Các em thường ít nói và nhạy cảm hơn so với hồi sáu tuổi. Đôi khi, trẻ ở tuổi này sẽ có thể xấu tính với những đứa trẻ khác ở tầm tuổi chúng. Chúng cũng có xu hướng lịch sự hơn và dễ chấp nhận những lời đề nghị của người lớn.

Và với tuổi này, trẻ sẽ có ý thức về bài vở ở trường và bắt đầu so sánh việc học và bản thân mình với những người khác. Các em thường muốn bài tập ở trường của mình trông “đúng” và nếu bị sai, các em có thể dễ dàng trở nên thất vọng.

Tám tuổi

Sự tò mò và háo hức khám phá những điều mới của trẻ tiếp tục phát triển. Bạn bè trở nên quan trọng hơn. Trẻ thích chơi và ở với bạn bè cùng trang lứa. Các em bắt đầu quan tâm và muốn tìm hiểu cảm giác và suy nghĩ của người khác về mình.

Các em cũng nhận thức về người lớn như những cá nhân và tò mò về những gì họ làm. Ở tuổi này, trẻ sẽ muốn chứng minh khả năng của bản thân, có thể bằng cách muốn làm việc nhà.

sự phát triển nhân cách

Giai đoạn 9-11 tuổi

Đối với trẻ em từ 9 đến 11 tuổi, một số vẫn còn là “trẻ nhỏ” và những em khác có thể đã khá trưởng thành. Một số đã bước vào tuổi dậy thì, với những thay đổi về cơ thể, cảm xúc và thái độ trong giai đoạn này. Sự phát triển nhân cách ở giai đoạn này trở nên rõ ràng hơn. Những đứa trẻ ở độ tuổi này bắt đầu suy nghĩ logic và thích làm những công việc thực tế.

Sở thích

Các em bắt đầu hình thành sở thích cá nhân theo các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như quần áo, âm nhạc, thể thao… Các em cũng thích tham gia các hoạt động tập thể.

Háo hức muốn làm người lớn

Nổi bật trong sự phát triển nhân cách ở giai đoạn 9-11 tuổi là các em cảm thấy mạnh mẽ và độc lập. Trẻ có thể háo hức trở thành người lớn, muốn tự suy nghĩ, tự lập, muốn tự đưa ra quyết định. Biểu hiện là các em muốn đưa ra quyết định về một số chuyện liên quan đến bản thân như cắt kiểu tóc nào, mặc quần áo ra sao…

Trẻ muốn sự độc lập của mình, tuy nhiên, chúng vẫn muốn làm trẻ con và cần sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ có thể giúp con phát triển và thể hiện sự tự lập của mình bằng cách giao việc cho con. Nhưng lưu ý, phụ huynh hãy giao việc theo khả năng và đừng đặt quá nhiều trách nhiệm lên con nhé.

Sự phát triển nhân cách ở độ tuổi tiểu học dù chưa hoàn thiện nhưng lại chính là nền móng quan trọng cho nhân cách hoàn chỉnh của các em sau này. Bởi vậy, bậc cha mẹ hãy quan tâm đến con em mình để giúp đỡ các em phát triển đúng hướng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *