Trẻ em lớn rất nhanh, mới ngày nào chỉ là những đứa trẻ còn nằm trong nôi thì giờ đây thoáng cái đã đến tuổi dậy thì và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Vậy nên, điều quan trọng đối với chúng là bố mẹ cần trang bị những kỹ năng cần thiết cho con mình khi đến tuổi dậy thì, để con có được sự chuẩn bị tốt khi gặp những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và biết cách xử lý chúng.
Đặc điểm của trẻ ở tuổi dậy thì
Sự thay đổi về mặt thể chất, tâm sinh lý
Về mặt thể chất, khi bước vào tuổi dậy thì, giữa bé nam và nữ sẽ có những biểu hiện rõ ràng trên cơ thể các bé nữ sẽ phát triển ngực, chiều cao và cân nặng cũng có thể có sự thay đổi rất nhanh, hoocmon trong cơ thể thay đổi nên gây ra các triệu chứng về da như mụn trứng cá, mụn đầu đen,…Cơ thể của bé trai cũng phát triển khá tương tự, vỡ giọng khiến giọng trầm hơn, cơ thể tăng trưởng mạnh mẽ, các cơ bắp phát triển hơn và mụn trứng cá cũng bắt đầu xuất hiện,…
Về mặt tâm sinh lý, ở mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có những chuyển biến tâm lý khác nhau. Thường những đứa trẻ rơi vào đô tuổi từ 10 đến 13 sẽ có xu hướng tách rời bố mẹ, ít thân cận cùng bố mẹ và không lắng nghe những gì bố mẹ khuyên bảo, từ 14 đến 16 tuổi thì là thời kỳ phản nghịch, mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái xuất hiện vào lúc này cũng thường gây gắt hơn bao giờ hết.
Các mối quan hệ xung quanh
Giai đoạn này, xung quanh trẻ sẽ xuất hiện những người bạn khác giới, chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhóm bạn ấy, mối quan hệ xã hội cũng được mở rộng ra nhiều hơn. Bắt đầu những mối quan hệ khác giới, xuất hiện những tình cảm đầu đời, những mối quan hệ lãng mạn như hẹn hò và có xu hướng muốn nếm thử tình dục.

Sự phát triển về tư duy và ý thức
Giai đoạn này là giai đoạn tích lũy các kinh nghiệm sống và khả năng tư duy, phân tích tình huống để có thể xử lý các vấn đề mà trẻ sẽ gặp phải mỗi ngày, ở mỗi môi trường khác nhau. Đặc biệt giai đoạn này, cái tôi của bản thân được trẻ đề cao nên dễ dẫn đến những tình huống tiêu cực tạo nên tâm lý xấu trong trẻ, khiến trẻ làm ra những hành động xấu như nghiện thuốc, tự tử hoặc các bệnh về tâm lý như trầm cảm.
Mâu thuẫn trong tâm lý và hành động của trẻ
Trong giai đoạn này, trẻ em có khuynh hướng muốn làm người lớn và thường cho rằng mình đã trưởng thành, có ý thức rõ rệt về giới tính, quan tâm đến đời sống tình cảm của người lớn và tỏ ra bướng bỉnh, bất cần trước những việc làm hằng ngày cũng như các thất bại trước những điều mà các em được trải nghiệm trong giai đoạn tuổi dậy thì.
Sự khủng hoảng về mặt tâm lý khi các em ý thức được sự phát triển của cơ thể theo hướng người lớn nhưng bản thân lại không biết cách để làm người lớn như thế nào, dẫn đến những hành vi lệch lạc, thể hiện bản thân quá mức tạo nên sự bồng bột ở lứa tuổi này.
Những kỹ năng cần trang bị cho các con trong tuổi dậy thì
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Sự thay đổi về tâm sinh lý cũng như môi trường học tập sẽ đem lại rất nhiều sự hoang mang lo lắng cho các con ở tuổi dậy thì. Các vấn đề lớn nhỏ từ những môi trường mới mẻ đó cũng bắt đầu xuất hiện, khiến trẻ trở nên bối rối không biết nên làm gì và không nên làm gì. Kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ là một kỹ năng cần thiết giúp các con tự giải quyết được những vấn đề mình gặp phải ở môi trường giao tiếp cũng như làm việc và học tập của mình. Đây là một kỹ năng cần thiết cho sự phát triển và trưởng thành của trẻ sau này.
Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc
Ở thời điểm dậy thì, các con thường có những cảm xúc nhất thời bồng bột, nóng giận nhất thời. Nếu không biết cách kiềm chế và quản lý những cảm xúc ấy, nó sẽ như một ngọn lửa thiêu đốt tất cả lý trí của trẻ và đem lại rất nhiều tai hại, thậm chí khiến các con có thể sẽ phải hối hận về những gì mình đã gây ra trong lúc nóng giận. Hãy chỉ dạy cho con mình cách kiềm chế và quản lý cảm xúc của chính mình, biết giữ bình tĩnh để suy nghĩ và giải quyết các xung đột mà chúng gặp phải một cách ổn thỏa và phù hợp nhất.

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử
Đây là kỹ năng cần thiết và vô cùng quan trọng. Con người ai cũng có nhu cầu giao tiếp với nhau, nếu con trẻ không được dạy cho những kỹ năng giao tiếp và ứng xử cần thiết, thì quả là một thiếu sót lớn trong quá trình giáo dục và nuôi dưỡng chúng. Nếu không có kỹ năng giao tiếp và ứng xử, trẻ dễ gặp phải những tổn thương về mặt tâm lý, không biết cách giải quyết vấn đề giữa các mối quan hệ của mình. Kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt sẽ mở ra cho trẻ rất nhiều cơ hội để học tập, quen biết với những con người khác nhau, và ứng xử một cách lịch sự, tử tế trong các tình huống thực tiễn éo le. Đồng thời, nó còn giúp phát triển bản thân và tương lai sau này.
>>> Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp | Những điều cần biết về kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả
Đây là kỹ năng cần thiết không chỉ dành cho người lớn và còn dành cho cả những đứa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì. Bước vào môi trường học mới, cách học mới, các con cần sắp xếp được thời gian của mình để chu toàn việc học và vui chơi giải trí cũng như phụ giúp gia đình. Quản lý thời gian còn giúp các con rèn luyện được tính kỷ luật của bản thân, nghiêm túc học tập và làm việc. Khi quản lý thời gian hiệu quả, năng suất làm việc cũng được cải thiện rõ rệt, sức khỏe không bị quá tải dẫn đến đuối sức và cuộc sống trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Tính kỷ luật từ đó rèn được cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình trưởng thành sau này của trẻ.
Kỹ năng hợp tác và chia sẻ
Mỗi người đều nên có lòng trắc ẩn, yêu thương và biết sẻ chia với người khác. Nếu trẻ không được rèn luyện kỹ năng hợp tác và chia sẻ, đứa trẻ ấy sẽ có thể trở thành một con người ích kỷ, chỉ nghĩ đến chính mình và cô độc. Kỹ năng hợp tác và chia sẻ có thể giúp trẻ học được những điều quý giá trong cuộc sống, về tình đoàn kết, tinh thần đồng đội, sự yêu thương và sẻ chia với những mảnh đời còn đang gặp khó khăn, gặp hoạn nạn. Hợp tác còn giúp khả năng giao tiếp của trẻ được phát triển, EQ cao hơn và có nhiều những mối quan hệ thân thiết hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bản thân sau này trên con đường sự nghiệp và cả cuộc đời.
Giai đoạn này là giai đoạn vô cùng nhạy cảm của trẻ, cần sự quan tâm chú ý rất nhiều từ các bậc phụ huynh để có thể kịp thời định hướng cho con mình những hướng đi đúng đắn, kéo những suy nghĩ lệch lạc về con đường thích hợp. Hãy dành nhiều thời gian bên con để có thể lắng nghe những nỗi niềm mà con đang gặp phải trong giai đoạn tuổi dậy thì này, vì chỉ có bố mẹ mới có thể tác động đến quá trình phát triển và trưởng thành của con trẻ.