Học sinh tiểu học là trẻ em thuộc độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Ở độ tuổi này, các em còn rất ngây thơ, hồn nhiên nhưng lại có tiềm năng phát triển lớn. Để giúp con phát triển một cách toàn diện, trước hết cha mẹ cần phải nắm được đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Tâm lý phát triển

Nhìn chung, các em cũng còn rất hồn nhiên, vô tư nhưng cũng đã “người lớn” hơn nhiều. Thay vì dễ xúc động, dễ khóc, dễ cười như hồi mẫu giáo, trẻ em ở lứa tuổi tiểu học bắt đầu có khả năng kiềm chế cảm xúc và hiểu cảm xúc của mình tốt hơn.

Điều này cũng có nghĩa là các em không còn dễ thổ lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình cho cha mẹ như trước nữa. Trở thành học sinh tiểu học, các em sẽ có cảm giác “trách nhiệm” và “người lớn”, bởi vậy mà có những việc các em muốn tự làm thay vì nhờ bố mẹ. 

Ở độ tuổi từ 6-11, trẻ em cũng đã bắt đầu để ý đến ánh nhìn, đến sự đánh giá của người khác và sự khác biệt của mình. Cũng vì vậy mà các em dễ cảm thấy tự tin nhưng cũng dễ tự ti. Các em có thể sẽ muốn thể hiện bản thân mình hơn hoặc thu mình lại. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển sau này cũng như cuộc sống học đường của các em.

Ngoài ra, trẻ em ở tuổi ngày càng ít gắn bó với cha mẹ hơn. Tình bạn ngày càng trở nên quan trọng đối với trẻ, chúng bắt đầu dựa vào bạn bè thay vì chỉ tập trung vào cha mẹ. Do đó, cha mẹ cần chủ động quan tâm, để ý con em mình và giúp đỡ các bé điều chỉnh lại trạng thái của mình.

Nhận thức phát triển

tâm sinh lý học sinh tiểu học

Về nhận thức cảm tính, các cơ quan cảm giác như thính giác, vị giác, thị giác… vẫn tiếp tục phát triển và dần tiến tới sự hoàn thiện. Tri giác ở học sinh tiểu học đã bắt đầu rõ ràng và phức tạp hơn nhưng vẫn dễ thay đổi và chưa phân tích quá chi tiết.

Ở năm đầu tiểu học, tri giác có xu hướng gắn liền với hành động nhưng đến năm cuối tiểu học, tri giác sẽ mang tính xúc cảm nhiều hơn.

Về nhận thức lý tính, cả yếu tố tư duy và tưởng tượng đều phát triển theo hướng phức tạp và thực tế hơn. Học sinh tiểu học sẽ tư duy logic hơn so với khi học mẫu giáo. Tư duy cũng sẽ chuyển từ cụ thể sang trừu tượng và khái quát.

Nhờ sự phát triển của não bộ và trải nghiệm nhiều hơn, khả năng tưởng tượng của các em cũng trở nên phong phú và hoàn thiện hơn. Ở thời điểm này, sự tưởng tượng của các em bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc, tình cảm. 

Ngôn ngữ phát triển

Khi bắt đầu học tiểu học, ngôn ngữ nói của các em đã khá thành thạo và sẽ bắt đầu được tiếp xúc với ngôn ngữ viết. Và đến khi học lớp 5, cả ngôn ngữ nói và viết của các em đều gần như hoàn thiện.

Nhờ sự phát triển của ngôn ngữ mà học sinh tiểu học bắt đầu có khả năng tự đọc, tự tiếp nhận thông tin, tự tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Bởi vậy, bên cạnh sự phát triển về tâm sinh lý, ngôn ngữ chiếm vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Thông qua ngôn ngữ, trẻ có thể dễ dàng thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tư duy và trí tưởng tượng của mình hơn và sẽ bắt đầu học được các cách biểu hiện khác nhau.

Do đó, thông qua khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ, các bậc cha mẹ có thể quan sát và đánh giá quá trình phát triển trí tuệ của con. Để giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ và làm phong phú vốn ngôn ngữ, cha mẹ có thể cho con đọc các loại sách khoa học, văn học hoặc truyện, báo phù hợp với tuổi nhi đồng, hay dạy con viết nhật ký, viết truyện… 

Giao tiếp

Song song với sự phát triển về mặt ngôn ngữ, khả năng giao tiếp ở trẻ độ tuổi tiểu học cũng phát triển hơn. Khả năng biểu hiện suy nghĩ, cảm xúc của trẻ tốt hơn thì hiệu quả giao tiếp cũng tốt hơn. Ở độ tuổi này, các em bắt đầu biết phân hóa phong cách giao tiếp dựa theo đối tượng.

Ví dụ như khi giao tiếp với gia đình thì thân thiết, với thầy, cô giáo thì cẩn trọng nhưng khi giao tiếp bạn bè sẽ thoải mái hơn nhiều. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các em chưa hiểu nhiều về việc kiểm soát lời nói, về tác động của lời nói đến người khác. Bởi vậy mà cha mẹ cần dạy con về điều này. 

Hành động, hành vi

Ở học sinh tiểu học, các kỹ năng vận động được cải thiện đáng kể. Những phát triển về thần kinh làm tăng khả năng phối hợp mắt và tay, giữ thăng bằng và giúp cử động phối hợp nhịp nhàng.

Trong giai đoạn này, các hoạt động vui chơi, vận động thể chất thông qua thể thao, thời gian ở sân chơi và các hoạt động xung quanh ảnh hưởng nhiều đến học tập và khả năng phát triển cơ thể, cũng như ảnh hưởng đến sự trưởng thành về mặt cảm xúc.

Về mặt hành vi, hành vi của học sinh tiểu học bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường xung quanh và đậm sự cảm tính. Các em thường chơi và hành động theo nhóm và hành vi của các em thường bị chi phối bởi đám đông.

Trẻ em ở độ tuổi vẫn hành động theo cảm xúc và mang tính bộc phát, không suy nghĩ đến hậu quả của những hành động đó. 

Bố mẹ cần làm những gì?

Dạy con cách tự lập

Đây là độ tuổi mà trẻ em cần phải học được tính tự lập. Cha mẹ có thể bắt đầu tạo cho con tính lập bằng cách dạy con tự làm vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo, tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt thường ngày. Cha mẹ cũng nên cho con phụ giúp việc nhà.

 Dạy con các kỹ năng

Ngoài kỹ năng tự chăm sóc bản thân, cha mẹ cần dạy con các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, giữ gìn vệ sinh, kỹ năng giúp đỡ người khác… Đặc biệt, cha mẹ nhất định phải dạy con khả năng tự vệ và kĩ năng sinh tồn. 

Lắng nghe và giao tiếp với con

Ở tuổi này, các con sẽ không bộc lộ hết cảm xúc ra ngoài nữa và bắt đầu giữ những suy nghĩ cho riêng mình. Cha mẹ hãy chủ động quan sát một cách tinh tế, tôn trọng, lắng nghe con để con học được cách tin tưởng và tìm đến cha mẹ khi có vấn đề mình không giải quyết được.

Đảm bảo dinh dưỡng

tâm sinh lý học sinh tiểu học

Độ tuổi tiểu học là độ tuổi quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và trí tuệ. Để con có đủ chất dinh dưỡng để phát triển và học tập, cha mẹ cần đảm bảo con ăn đủ bữa và đủ chất dinh dưỡng.

Hãy cho con ăn no vào buổi sáng, ăn nhiều rau, ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để cơ thể được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.

Học sinh tiểu học chưa biết kiểm soát chế độ ăn uống và rất thích các loại đồ ăn vặt như kẹo, nước ngọt… Cha mẹ hãy kiểm soát không cho con ăn nhiều những loại thực phẩm này, để tránh bị sâu răng, béo phì. 

Khi trở thành học sinh tiểu học, trẻ sẽ phát triển nhiều hơn và bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống. Để giúp con có cuộc sống học đường an toàn, lành mạnh, có thể phát triển tốt về thể chất và tinh thần, cha mẹ hãy quan tâm nhiều tới tâm sinh lý của con và dạy con những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *