Thế giới bên ngoài đầy rẫy những mối nguy hiểm với trẻ nhỏ. Nhưng thay vì bảo bọc trẻ quá mức, hạn chế trẻ tiếp xúc với bên ngoài, cha mẹ nên dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về cách dạy trẻ tự bảo vệ mình.

1. Thế nào là kỹ năng bảo vệ bản thân?

Trong đời sống thường ngày, có những sự cố, mối nguy hiểm có thể xảy ra cho trẻ bất cứ lúc nào như bị bắt cóc, bị bắt nạt, bị lạm dụng… Và cha mẹ thì không thể lúc nào cũng ở bên trẻ 24/7, vậy nên dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân là điều vô cùng cần thiết.

Với trẻ, kỹ năng bảo vệ bản thân là cách trẻ nhận biết, phản ứng và tự đảm bảo an toàn cho mình trước các tình huống nguy hiểm. Kỹ năng này không chỉ giúp trẻ tránh được những nguy hiểm rình rập ngoài kia mà còn giúp trẻ có thể khám phá thế giới một cách lành mạnh hơn.

2. Tại sao nên dạy trẻ cách tự bảo vệ mình càng sớm càng tốt?

Xã hôi ngày càng phức tạp, khiến cho trẻ em có thể trở thành đối tượng bị kẻ xấu nhắm đến bất cứ lúc nào.

Từ năm 2015-2019, toàn quốc đã có tới 8.442 trường hợp xâm hại trẻ em được phát hiện.
Trong đó, có 857 trẻ bị bạo lực, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục, 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc và chiếm đoạt, 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”

Những con số này thực sự đang dấy lên một hồi chuông cảnh báo với các bậc phụ huynh về vấn nạn xâm hại trẻ em. Và đáng buồn hơn là trên thực tế, những con số này có thể lớn hơn rất nhiều do còn nhiều trường hợp vẫn chưa được phát hiện và xử lý.

Đặc biệt, rất nhiều vụ xảy ra một phần là do trẻ không có kỹ năng tự bảo vệ bản thân và thiếu sự quan tâm, chỉ dạy từ cha mẹ, người lớn, khiến cho kẻ xấu có cơ hội để thực hiện những hành vi của mình. 

Trẻ ở độ tuổi 4-12 tuổi là đối tượng dễ gặp phải và dễ bị tổn thương bởi những mối nguy hiểm ngoài xã hội nhất.

Lý do là bởi trẻ ở giai đoạn này tràn ngập sự tò mò với thế giới nhưng lại chưa có đủ những kỹ năng, kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân trước những điều nguy hiểm.

Vậy nên, cha mẹ cần dạy trẻ tự bảo vệ bản thân càng sớm càng tốt để trẻ có đủ khả năng tự đảm bảo an toàn cho mình.

>>> Xem thêm: Những kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non

3. Những kỹ năng dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân

Dưới đây là những điều cha mẹ nên dạy và rèn luyện cho trẻ để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân:

Bảo vệ bản thân trước người lạ

Tính cảnh giác của trẻ còn rất kém, rất dễ đi theo và làm theo người lạ khi bị dụ dỗ bởi những món đồ mà trẻ yêu thích như đồ chơi hay kẹo bánh.

Do đó, ngay từ khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ cần phải dạy trẻ là tuyệt đối không được đi theo người lạ dù có được cho gì hay nói gì đi chăng nữa.

Không chỉ phải lặp đi lặp lại điều này với bé nhiều lần mà cha mẹ cũng nên cụ thể hóa những trường hợp mà trẻ có thể gặp phải để trẻ nhận biết và ghi nhớ một cách đơn giản hơn.

Chẳng hạn như người lạ sẽ đến đưa kẹo bánh, đồ chơi cho trẻ và dụ trẻ đi cùng hay đóng giả thành người quen của cha mẹ để đón bé đến chỗ cha mẹ… Cùng với đó, phụ huynh hãy dạy con cách phản ứng trong những tình huống này. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giúp trẻ nhận biết những người mà trẻ có thể xin giúp đỡ như chú công an, chú bảo vệ…

Thêm nữa, để có thể nâng cao tính cảnh giác, tính đề phòng của trẻ đối với người lạ, cha mẹ có thể khéo léo cho trẻ biết hậu quả của việc đi theo người lạ. Điều này cũng sẽ giúp trẻ nghiêm túc ghi nhớ và làm theo lời dặn của cha mẹ hơn.

Kiến thức an toàn giao thông

Đây cũng là một trong những cách dạy trẻ tự bảo vệ mình mà cha mẹ thường hay bỏ quên. Mối nguy hiểm xảy đến với trẻ không chỉ đến từ người xấu mà còn có thể là những tai nạn bất ngờ.

Bởi vậy nên kiến thức an toàn giao thông là một kỹ năng quan trọng mà trẻ cần có khi tham gia vào xã hội. Cha mẹ nên dạy trẻ các quy tắc trên đường, một số loại đường cơ bản, một số loại biển báo cơ bản… 

Bảo vệ bản thân khi bị lạc

Ở những nơi đông đúc và rộng lớn như công viên, trung tâm giải trí, trung tâm thương mại… thì việc trẻ bị đi lạc không phải là hiếm gặp.

Do đó, cha mẹ cần phải hướng dẫn cho trẻ biết cách phản ứng nếu như trẻ không may bị lạc.

  • Trước hết, phụ huynh hãy dạy cho trẻ nhớ thông tin liên lạc của bố mẹ như tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ nhà.
  • Tiếp đến, cha mẹ nên chỉ cho trẻ biết những người mà trẻ có thể xin giúp đỡ khi bị lạc.
  • Đồng thời, hãy nhấn mạnh việc trẻ tuyệt đối không được đi theo người lạ, kể cả khi họ nói sẽ dẫn con về nhà. 
dạy trẻ tự bảo vệ mình khi đi lạc

Tuy nhiên, khi bị lạc, trẻ sẽ rất hoảng sợ và có thể sẽ không nhớ được thông tin của bố mẹ. Vậy nên, tốt hơn hết là bố mẹ hãy chuẩn bị có trẻ giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ để trẻ mang theo phòng trường hợp khẩn cấp.

Bảo vệ bản thân khi gặp hỏa hoạn

Khi dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân, kỹ năng phản ứng khi gặp hỏa hoạn là điều cha mẹ không nên bỏ qua.

Trẻ sẽ hiểu và ghi nhớ tốt hơn khi được thực hành, nên cha mẹ có thể tạo nên những tình huống giả định và hướng dẫn trẻ nên hành động như thế nào khi bị hỏa hoạn.

Điều này sẽ có thể giúp trẻ đảm bảo được an toàn cho mình và hạn chế được tổn thương nếu có hỏa hoạn xảy ra. 

Kiến thức về các bộ phận trên cơ thể

Cha mẹ nên dạy cho trẻ kiến thức về các bộ phận trên cơ thể từ sớm, đặc biệt là các bộ phận riêng tư. Đây là điều đầu tiên cha mẹ nên làm khi dạy trẻ về kỹ năng tự bảo vệ bản thân. 

Ngày nay, trẻ được tiếp xúc với rất nhiều luồng thông tin như phim ảnh, internet… Vậy nên việc giáo dục sinh lý cho trẻ không chỉ giúp trẻ tránh được nguy cơ bị xâm hại mà còn giúp định hướng cho trẻ về vấn đề này, không để trẻ nhận biết thông tin một cách sai lầm.

Bảo vệ các bộ phận riêng tư

Đây là cách dạy trẻ tự bảo vệ mình quan trọng nhất. Hãy chỉ cho trẻ biết về những bộ phận riêng tư và nhấn mạnh cho trẻ việc không được cho người khác nhìn thấy hay chạm vào

Hãy dạy trẻ rằng trừ khi cha mẹ giúp bé tắm rửa hay khi bác sĩ khám bệnh cho bé thì không ai được phép tùy tiện động chạm vào cơ thể của trẻ, đặc biệt ở những bộ phận nhạy cảm.

bảo vệ các bộ phận trên cơ thể

Cha mẹ có thể dạy trẻ khi thực hiện những hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn như dạy bé nhận biết các bộ phận cơ thể khi cho trẻ tắm.

Đặc biệt, cha mẹ cần nhấn mạnh việc không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm của mình và cũng không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác.

Vì vế thứ hai cũng chính là hành động mà kẻ lạm dụng tình dục sẽ yêu cầu trẻ làm. Và đây cũng là cách cha mẹ dạy trẻ cách tôn trọng cơ thể của người khác.

Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ

Trong các tình huống nguy hiểm, trẻ sẽ khó có thể xử lý, xoay xở một mình được. Do đó, cha mẹ nên dạy cho trẻ biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

Cha mẹ hãy dạy trẻ cách nhờ người khác giúp đỡ và dặn trẻ khóc lớn hoặc la lớn nếu bị người lạ dẫn đi hoặc đụng chạm, tấn công. 

Đồng thời, khi đi cùng trẻ ở ngoài đường, cha mẹ nên giới thiệu và chỉ cho trẻ biết về những người trẻ có thể cầu cứu như chú công an, chú bảo vệ… 

4. Cách bảo vệ trẻ trước những hành vi xâm hại

Cha mẹ không nên chỉ dạy bé gái tự bảo vệ mình mà các bé trai cũng cần được dạy về cách tự bảo vệ mình bởi các bé trai cũng có thể là đối tượng tấn công của những kẻ xấu

Dạy trẻ về ranh giới cá nhân

Ranh giới cá nhân là điều cha mẹ tuyệt đối không thể bỏ qua khi dạy con tự bảo vệ mình. Đầu tiên, cha mẹ cần phải dạy con về những bộ phận trên cơ thể, giúp trẻ nhận biết được những vùng nhạy cảm.

Sau đó, hãy dạy trẻ rằng đó là những bộ phận riêng tư, nhấn mạnh rằng không ai được phép nhìn thấy và chạm vào trừ bố mẹ khi giúp trẻ tắm rửa và khi trẻ đi khám bệnh. Cha mẹ cũng đừng quên nói với trẻ việc không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác. 

Khuyến khích kể về hoạt động hàng ngày

Trẻ nhỏ còn rất ngây thơ, thiếu tính cảnh giác và không phải lúc nào cũng có thể nhận thức được đâu là những tình huống nguy hiểm. Cha mẹ cũng không thể nào liệt kê những điều quá cụ thể về xâm hại tình dục.

Vậy nên, khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày là điều vô cùng cần thiết. Cha mẹ hãy thường xuyên tâm sự với trẻ về những điều mà trẻ trải qua sau một ngày. Việc này sẽ giúp cha mẹ nhận biết được những mối nguy cơ có thể xảy ra với trẻ và ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, việc làm này còn giúp trẻ gần gũi và có niềm tin ở cha mẹ. Điều này sẽ có ích khi trẻ bị kẻ xấu đe doa rằng không được kể cho ai biết vì trẻ sẽ dễ chia sẻ với cha mẹ hơn.

khuyến khích kể về hoạt động hàng ngày

Dạy trẻ cảm giác an toàn và không an toàn

– Phân biệt cảm giác “an toàn” và “không an toàn”

Cha mẹ cần phải dạy trẻ về cảm giác “an toàn” và “không an toàn”. Giúp trẻ nhận biết những cảm giác này sẽ giúp rèn luyện và nâng cao tính cảnh giác của trẻ, cũng như giúp trẻ hiểu hơn về những tình huống nguy hiểm.

Ví dụ, khi cảm thấy ‘an toàn’, trẻ có thể cảm thấy hạnh phúc và có cảm giác ấm áp bên trong; khi cảm thấy ‘không an toàn’, trẻ có thể cảm thấy sợ hãi và có cảm giác như đau bụng.

Trẻ em cần hiểu những cảm xúc khác nhau đi kèm với cảm giác ‘an toàn’ và ‘không an toàn’

– Đưa ra trường hợp cụ thể

Cha mẹ hãy hỏi trẻ về bất kỳ lúc nào trẻ cảm thấy lạ, khó chịu hoặc không thoải mái và mô tả cảm giác đó. Cách tốt nhất là cha mẹ nên nói cụ thể về những trường hợp có thể khiến con không an toàn. Giải thích cho trẻ một số tình huống không an toàn mà người xấu có thể làm.

Ví dụ, họ có thể rất chú ý đến trẻ em và thậm chí tặng quà cho chúng. Họ có thể có hành vi thể chất với trẻ ngay cả khi trẻ yêu cầu họ dừng lại.

Những người xấu cũng có thể dùng những từ ngữ không phù hợp để nhận xét về ngoại hình của trẻ. Và những người lạ có ý xấu có thể hỏi đường trẻ và yêu cầu trẻ đi tìm kiếm gì đó giúp họ, ví dụ như một chú chó. 

Đây chính là cách dạy trẻ tự bảo vệ mình. Việc nói với trẻ về những tình huống không an toàn từ ngay bây giờ có thể giúp giữ an toàn cho trẻ sau này. Nếu trẻ có vẻ sợ hãi hoặc bắt đầu lo lắng khi cha mẹ đang nói chuyện, hãy chậm lại một chút.

Trước tiên, cha mẹ nên chia nhỏ cảm xúc của trẻ và nói về chúng. Sau đó, cha mẹ có thể quay lại và nói chuyện với trẻ nhiều hơn về những tình huống không an toàn.

Dạy con đúng về việc quan hệ tình dục và những bộ phận tránh xâm phạm

Với công nghệ phát triển, trẻ sẽ học được nhiều điều về thế giới từ bạn bè, phim ảnh, TV, âm nhạc, sách báo, tạp chí và Internet.

Tuy nhiên, khi nói đến một thứ quan trọng như tình dục và giới tính, không gì có thể thay thế được ảnh hưởng của cha mẹ. Khi trẻ lớn lên, trẻ có có những sự tò mò về vấn đề này và sẽ đặt ra những câu hỏi. Thì:

  • Cha mẹ cần chủ động dạy con đúng về việc quan hệ tình dục và những bộ phận tránh xâm phạm
  • Cha mẹ là người tin cậy để giải đáp mọi thắc mắc: Khi trẻ cảm thấy được cha mẹ yêu thương và tôn trọng, trẻ có nhiều khả năng sẽ tìm đến cha mẹ để được giải đáp và đưa ra lời khuyên.
  • Dạy trẻ về các chủ đề liên quan đến tình dục trong hoạt động sinh hoạt thường ngày.
  • Cha mẹ hãy tỏ ra thoải mái và cởi mở nhất có thể vì một số trẻ có thể không hỏi thông tin nếu chúng nghĩ rằng cha mẹ có thể không thoải mái với điều đó.

Cha mẹ phải thực sự cởi mở và thấu hiểu

Khi trẻ bắt đầu đặt câu hỏi, những điều sau đây có thể giúp cuộc trò chuyện dễ dàng hơn:

  • Nói chuyện cởi mở và cho trẻ biết chúng có thể hỏi bạn về bất cứ điều gì
  • Đừng cười hay trêu đùa trẻ, ngay cả khi câu hỏi là dễ thương. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ nếu cha mẹ cười và ngại đặt câu hỏi
  • Cố gắng không tỏ ra quá xấu hổ hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề
  • Hãy ngắn gọn và trả lời bằng những thuật ngữ đơn giản
  • Hãy trung thực vì thứ trẻ cần là những thông tin chính xác
  • Sau khi trả lời câu hỏi của trẻ, hỏi xem trẻ có hiểu những gì mình vừa nói hay không và có cảm thấy câu hỏi của trẻ được giải đáp hay chưa
  • Hãy hỏi trẻ xem trẻ có muốn hoặc cần biết thêm gì hay không
  • Lắng nghe ý kiến và phản ứng của trẻ
  • Nhờ người thân hoặc bác sĩ khi gặp phải những vấn đề ngoài vùng hiểu biết

Trước những mối nguy hiểm ngoài xã hội, trẻ không chỉ cần được bảo vệ mà còn cần biết cách tự đảm bảo sự an toàn cho mình. Hy vọng rằng những lời khuyên ở trên sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về cách dạy trẻ tự bảo vệ mình.

Tham khảo: Những kỹ năng giúp rèn khả năng sống tự lập cho trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *