Giao tiếp không phải lúc nào cũng bằng lời nói hay chữ viết, mà đôi khi còn sử dụng những cử chỉ, nét mặt, ánh mắt, hay còn gọi là kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Vậy bạn có cần phải trau dồi loại kỹ năng giao tiếp không ngôn ngữ này không? Để có thể trả lời cho câu hỏi đó, hôm nay hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về các loại kỹ năng giao tiếp bằng hình thức phi ngôn ngữ nhé!
Giao tiếp phi ngôn ngữ là gì?
Giao tiếp phi ngôn ngữ chỉ quá trình truyền đạt và thu nhận thông tin mà không dùng đến từ ngữ, lời nói hay chữ viết. Mà thay vào đó, chúng ta sử dụng các cử chỉ cơ thể, nét mặt, biểu cảm hay ánh mắt để thể hiện thông điệp mà chúng ta muốn truyền tải.
Thật ra, các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ như hành vi, biểu hiện hay phong thái thường được thực hiện như bản năng hơn là có ý thức.
Ví dụ, như chúng ta hay vô thức gật đầu hoặc mỉm cười khi đồng ý với điều nào đó hay là nhăn mày khi không thích điều người đối diện vừa nói. Chúng ta thường đưa ra và nhận lại các tín hiệu không lời trong suốt quá trình nói chuyện, ngay cả khi chúng ta đang im lặng thì vẫn là giao tiếp phi ngôn ngữ.
Đôi khi, giao tiếp phi ngôn ngữ truyền đạt nhiều thông điệp hơn cả giao tiếp bằng lời nói.
Tất cả các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ như cử chỉ, tông giọng, tư thế đều thể hiện thông tin một cách rõ ràng hơn. Chúng có thể khiến cuộc nói chuyện thoải mái hơn, đối phương sẽ tin tưởng bạn hơn hoặc cũng có thể khiến cho mục đích nói chuyện bị sai lệch, gây nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, đôi khi lời nói và tín hiệu phi ngôn ngữ bạn đưa ra không đồng nhất với nhau có thể khiến cho đối phương hiểu nhầm hoặc khó đưa ra câu trả lời.
Vậy nên bạn cần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp không dùng ngôn ngữ sao cho hiệu quả để có thể bày tỏ ý kiến rõ ràng hơn, xây dựng mối quan hệ tốt và nâng cao hiệu quả giao tiếp.
7 loại kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ
Trong cuộc sống hay công việc thì giao tiếp phi ngôn ngữ có thể tác động đến cách bạn tương tác với những người đối diện.
Nó cũng ít nhiều quyết định hiệu quả của cuộc giao tiếp nên việc hiểu rõ các loại kỹ năng giao tiếp không dùng ngôn ngữ sẽ giúp ích cho bạn.
Sau đây là 7 loại kỹ năng giao tiếp không dùng tới ngôn ngữ bạn nên biết:
#1. Giọng nói
Giọng nói hay còn hiểu là tông giọng bạn sử dụng khi nói hay là cách bạn nói, đây cũng là một loại kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Để dễ hiểu hơn đó là âm lượng và cao độ của giọng nói sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của bạn.
Ví dụ điển hình như nếu bạn nói quá to hoặc giọng quá cao thì có thể khiến đối phương nghĩ rằng bạn đang kịch liệt phản đối và muốn áp đảo họ. Còn khi âm lượng giọng quá nhỏ thì người khác có thể nghĩ rằng bạn không đủ tự tin hoặc không thoải mái.
Đôi khi, kỹ năng giao tiếp không lời dùng tới dùng tông giọng, cao độ giọng nói để truyền đạt ý nghĩa ngược lại với những gì bạn đang nói.
Ví dụ như nếu bạn khen “Ồ, đẹp thật đó” nhưng với tông giọng mỉa mai thì nó lại mang ý nghĩa châm biếm và chê bai.
#2. Khoảng cách
Việc bạn giữ khoảng cách như thế nào trong cuộc nói chuyện cũng là một trong các loại kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ phổ biến.
Khoảng cách dưới 45 cm được hiểu là khoảng không gian cá nhân của bạn. Đối với hầu hết mọi người, khoảng cách này thường chỉ dành cho gia đình, bạn bè thân thiết.
Nếu một người lạ chen vào khoảng cách này của bạn thì có thể sẽ khiến bạn khó chịu hoặc cảm thấy không tự nhiên.
Hiểu được dấu hiệu phi ngôn ngữ về khoảng cách sẽ giúp bạn ứng xử tốt hơn, giữ đúng khoảng cách với người đối diện để họ có thể thoải mái trong suốt quá trình giao tiếp.
Không những vậy, bạn cũng nên để ý đến khoảng cách để tránh việc đứng quá xa sẽ không nghe rõ thông tin.
#3. Cử chỉ
Một kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ nữa chính là cử chỉ hay hành động của cơ thể. Như là gật đầu nhẹ hoặc ra hiệu bằng tay cũng là giao tiếp phi ngôn ngữ.
Một số cử chỉ có thể là phản ứng tự nhiên hoặc cũng có thể là cố tình, nhưng dù là gì đi nữa thì nó cũng biểu hiện cảm súc hoặc suy nghĩ của bạn.
Ví dụ như khi bạn lo lắng, bồn chồn thì bất giác cơ thể sẽ run rẩy nhẹ, hắng giọng thường xuyên hơn hoặc là vô thức bấm các ngón tay.
Hoặc khi bạn cảm thấy đồng ý hoặc thích thú với vấn đề nào đó thì bạn có thể sẽ gật đầu hoặc mỉm cười.
Vậy nên các cử chỉ, biểu hiện của cơ thể cũng là một tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ bạn nên lưu ý. Bởi đôi khi những hành động tưởng chừng như vô thức lại khiến người đối diện cảm thấy bạn đang mất tập trung hoặc thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.
#4. Sự đụng chạm
Sự đụng chạm trong quá trình giao tiếp cũng được xem là một kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Việc đụng chạm trong giao tiếp cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc giao tiếp.
Bởi vì nếu như sự đụng chạm đó là không cần thiết hoặc là người đối diện không thích bị đụng chạm thì có thể khiến quá trình giao tiếp trở nên lúng túng và mất tự nhiên.
Không những vậy, việc đụng chạm còn phụ thuộc vào nền văn hóa của từng khu vực. Như việc chào bằng nụ hôn má ở các nước Châu Âu hay Bắc Mỹ là hoàn toàn bình thường, thế nhưng ở Việt Nam thì không có ai chào bằng cách hôn lên má.
Vậy nên, bạn cần hiểu rõ về văn hóa và kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ để có thể điều chỉnh sự đụng chạm sao cho hợp lý.
Để đảm bảo rằng, sự đụng chạm của bạn luôn chuyên nghiệp ở nơi làm việc hoặc ở ngoài xã hội để tránh cho người đối diện cảm thấy khó chịu.
#5. Sự thay đổi sinh lý
Sự thay đổi về mặt sinh lý như đổ mồ hôi, đỏ mặt hay chảy nước mắt cũng là một trong những tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ.
Việc thay đổi sinh lý này thường liên quan đến cảm xúc của bạn như sự khó chịu, xấu hổ hay bị căng thẳng trong trường hợp nào đó. Và nó thường không dễ kiểm soát nên bạn cần rèn luyện để có thể điều chỉnh được cảm xúc của mình một cách tốt hơn.
#6. Nét mặt
Một trong những kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng chính là điều chỉnh nét mặt sao cho phù hợp. Khi bạn suy nghĩ thì cảm xúc sẽ thể hiện trên khuôn mặt và nó có thể truyền tải thông điệp đến người khác.
Ví dụ như khi bạn nhướng lông mày thì có nghĩa là bạn đang cảm thấy tò mò hoặc khi bạn đảo mắt thường xuyên thì có thể người đối diện sẽ nghĩ rằng bạn đang không tự tin hoặc nói dối.
Khi giao tiếp, bạn có thể quan sát nét mặt của đối phương để nắm bắt được nhiều thông tin hơn.
#7. Tư thế
Tư thế đứng hay ngồi trong quá trình giao tiếp cũng là một kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng mà bạn nên lưu ý. Từ tư thế đứng hoặc ngồi mà người đối diện có thể nhận thấy được sự nghiêm túc, chuyên nghiệp của bạn.
Ví dụ, như khi bạn đứng thì nên đứng thẳng lưng, chân khép để thể hiện sự kín đáo hoặc khi bạn nữ ngồi thì nên ngồi khép chân để trông duyên dáng hơn.
Trên đây là 7 loại kỹ năng giao tiếp không cần dùng đến ngôn ngữ bạn nên biết để có thể áp dụng tốt trong đa dạng các trường hợp giao tiếp. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn cải thiện các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ của mình tốt hơn!
Xem thêm: Mẹo cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng lời nói