Dạy con tư duy phản biện là điều mà nhiều bậc phụ huynh cần quan tâm trong thời đại hiện nay. Nhờ có tư duy phản biện, trẻ sẽ chủ động trong suy nghĩ và không bị thụ động. Đồng thời, chúng giúp trẻ phát triển nhiều khía cạnh khác trọng cuộc sống. Hãy cùng theo dõi bài viết để biết được 5 phương pháp giúp trẻ học được cách tư duy phản biện nhé.
1. Tư duy phản biện là gì?

Theo nhiều nghiên cứu của các nhà tâm lý học, triết học, và giáo dục, tư duy phản biện được định nghĩa như là một tập hợp các kỹ năng và thói quen tư duy.
Tư duy phản biện bao gồm khả năng:
- Xác định vấn đề, xác định được các trường hợp có thể xảy ra
- Phân tích ý tưởng, và lập luận phản biện
- Sự suy nghĩ sắp xếp thông tin một cách tổ chức có liên quan tới các nguyên nhân – kết quả
- Các giải pháp hợp lý và đánh giá độ chính xác của vấn đề một cách logic.
- Khả năng tự tạo ra sự liên kết sáng tạo giữa các lĩnh vực khác nhau.
Hiện nay, việc giáo dục từ sớm cho trẻ học được cách tư duy phản biện là điều đã không còn quá xa lạ. Chúng giúp cho trẻ phát triển được kỹ năng lập luận.
Ví dụ, một đứa trẻ có tư duy phản biện sẽ tự chủ động phân tích vấn đề, nguyên nhân – kết quả của chúng và đưa ra các lựa chọn khác nhau cho vấn đề. Ngược lại, trẻ chưa học được cách tư duy phản biện sẽ trả lời một cách “khá cứng nhắc” như “dạ, câu trả lời đúng ạ.”
2. 5 cách dạy tư duy phản biện cho một đứa trẻ hiệu quả

Dạy con tư duy phản biện là điều không dễ dàng đối với nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, có nhiều điều cha mẹ có thể làm cho trẻ.
Ví dụ, bạn có thể giúp trẻ hình thành cách tư duy phản biện lành mạnh và khuyến khích trẻ tự chủ động học hỏi thêm nhiều kiến thức để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Điều này sẽ là nền tảng để trẻ dễ dàng đưa ra quyết định trong cuộc sống và có tư duy để giải quyết nhiều tình huống khác nhau.
Dưới đây là các phương pháp mà cha mẹ có thể tham khảo để thúc đẩy tư duy phản biện của trẻ thông qua cuộc sống hàng ngày.
Giải thích mọi thứ
Theo nhiều nghiên cứu, tâm lý trẻ con rất đơn giản và thường có xu hướng hiếu kỳ với mọi thứ xảy ra. Đó là lý do tại sao trẻ thường hay đặt nhiều câu hỏi.
Trong một số trường hợp, chúng khiến các bậc phụ huynh cảm thấy khó chịu. Đối với một số phụ huynh, họ có thể trả lời một cách miễn cưỡng và rập khuôn như “nó phải như vậy” để trẻ không hỏi thêm nữa.
Tuy nhiên, việc giải thích mọi thứ lại là một phương pháp quan trọng khi rèn luyện tư duy phản biện của con trẻ. Đứa trẻ ở mọi độ tuổi đều có thể học được cách tư duy phản biện. Đó là lý do tại sao các bậc phụ huynh nên quan tâm trẻ hơn.
Khi trẻ từ nhỏ được dạy cách đặt các loại câu hỏi khác nhau và tự đưa ra phán đoán dựa trên bằng chứng khách quan và phân tích logic, chúng sẽ trở nên tự tin và tự chủ động đặt ra các câu hỏi về các trường hợp có thể xảy ra cùng với lý luận logic. Chúng sẽ suy nghĩ một cách rõ ràng rành mạch thay vì dựa trên cảm xúc của mình.
Đó là lý do mà các bậc phụ huynh nên giải thích cho trẻ mọi thứ khi trẻ còn nhỏ. Đối với câu hỏi mà bạn không biết, bạn có thể trả lời là “đó là câu hỏi hay và chính cha/mẹ cũng muốn biết được câu trả lời” thay vì trả lời một cách miễn cưỡng với trẻ.
>>> Xem thêm: Trò chuyện với trẻ về những chủ đề khó
Không đòi hỏi con vâng lời mù quáng
Để dạy con tư duy phản biện, các bậc phụ huynh không nên đòi hỏi trẻ vâng lời mình một cách tuyệt đối.
Mặc dù các bậc phụ huynh luôn là người quan tâm và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con trẻ của mình, nhưng bạn cũng cần giải thích lý do tại sao chúng nên làm theo những gì chúng ta yêu cầu.
Kỹ năng suy luận logic của trẻ sẽ bị hạn chế nếu bậc phụ huynh trả lời “bởi vì cha/mẹ yêu cầu”. Một đứa trẻ cần được biết lý do tại sao và suy nghĩ chủ động về vấn để trước khi đưa ra quyết định.
Theo nhiều nghiên cứu, đây là phương pháp thực hành kỷ luật quy nạp. Phương pháp này có hiệu quả hơn so với phương pháp khẳng định quyền lực và trừng phạt.
Điều ấy sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân và xử sự một cách thích hợp trong công việc và học tập. Đồng thời, giúp trẻ nâng cao kỹ năng tư duy phản biện.
Khơi dậy trí tò mò ở trẻ
Khơi dậy trí tò mò ở trẻ là phương pháp quan trọng tiếp theo được đề cập để dạy con tư duy phản biện. Phân tích phản biện là học được cách tư duy một cách khách quan và phản biện để phân tích một ý tưởng thay vì dựa vào cảm xúc cá nhân hoặc sự thiếu hiểu biết.
Tư duy phản biện là sẵn sàng để quan điểm cá nhân của bạn được đem so sánh và phân tích đối với các luồng thông tin mới và quan điểm trái chiều.
Chính vì vậy, đây là lúc các bậc phụ huynh hãy khuyến khích trẻ trở nên tò mò và mở rộng quan điểm của mình. Bạn hãy cho phép trẻ tự đặt câu hỏi và phân tích tính đúng sai mà những gì bạn thường nói với trẻ.
Trẻ sẽ cảm thấy thích thú và phát triển sự tò mò để khám phá ra sự thật. Đồng thời, trẻ sẽ chủ động tìm kiếm câu trả lời và rèn luyện kỹ năng phân tích.
Dạy con cởi mở tư duy
Để dạy trẻ tư duy phản biện hiệu quả, khuyến khích trẻ có tư duy cởi mở là điều rất cần thiết. Khi trẻ có tâm trí cởi mở và suy nghĩ linh hoạt, trẻ sẽ dễ dàng đón nhận và tiếp thu những điều mới.
Ngược lại, nếu trẻ đóng chặt tư duy của mình, trẻ sẽ trở nên tự động và hạn chế sự phát triển của bản thân. Chính vì vậy, phụ huynh nên dạy trẻ bằng cách đưa ra các quan điểm khác nhau và các cách giải thích cũng như giải pháp thay thế đối với một vấn đề.
Có những vấn đề mà câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm của từng người. Hãy tập trung vào câu hỏi đó. Các bậc phụ huynh hãy khuyến khích trẻ giải quyết theo nhiều cách mới và độc đáo.
Ví dụ, bạn có thể gợi ý trẻ tự kết nối các ý tưởng khác nhau từ các lĩnh vực khác nhau. Điều ấy sẽ làm trẻ có tư duy đa chiều và tăng cường kỹ năng tư duy trong cuộc sống.
Dạy con cách lập luận logic
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với nhiều bậc phụ huynh khi dạy con cách lập luận logic đó là sự nhầm lẫn giữa mối tương quan và nguyên nhân.
Khi hai kết quả có xu hướng xảy ra cùng nhau, chúng có mối liên hệ với nhau nhưng không có nghĩa chúng có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
Trước khi kết luận vấn đề, trẻ nên được khuyến khích tự tìm kiếm thông tin để chứng minh quan điểm của mình trước khi xác định vấn đề này là nguyên nhân (kết quả) của vấn đề còn lại.
Ví dụ, khi một bạn cùng lớp mặc quần áo đẹp lên trường, cô giáo gọi bạn ấy trả lời bài. Hai vấn đề xảy ra cùng một lúc với nhau nhưng không có nghĩa vì bạn ấy mặc quần áo đẹp cô mới gọi bạn trả lời. Biết đâu đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Chính vì vậy, trẻ nên được biết rằng mình không thể tự kết luận một cách chủ quan khi không có thêm thông tin và bằng chứng nào chứng minh mối quan hệ nhân quả này.
Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn các phương pháp thích hợp để dạy con tư duy phản biện. Hãy giúp trẻ có thêm kiến thức và hành trang trong chặng đường sắp tới nhé.
Xem thêm: Kỹ năng sống cho bé giúp phát triển toàn diện trong tương lai